Một khu vực rộng lớn ở Siberia, Nga có những miệng hố lớn tới mức có thể nhìn thấy từ vũ trụ.
Năm 2013, phi công lái máy bay trực thăng trông thấy một chiếc hố bí ẩn trên tầng đất đóng băng vĩnh cửu trong khi bay qua Yamal, Siberia. Vài ngày sau, những người chăn tuần lộc phát hiện một cái hố khác và cái hố thứ ba được tìm ra sau đó không lâu. Vào tháng 2 năm nay, các nhà khoa học tìm thấy 4 miệng hố khổng lồ khác, bao quanh hàng chục hố hình phễu nhỏ, một số đã biến thành những hồ nước. Theo dự đoán của một chuyên gia địa chất, còn 30 miệng hố khác vẫn đang chờ phát hiện. Ảnh: Vasily Bogoyavlensky.
Theo Oddity Central, những ảnh chụp vệ tinh giúp xác nhận mối lo ngại của các nhà nghiên cứu. Bề mặt nước Nga có nhiều vết rỗ lớn khi so sánh với các tấm ảnh vệ tinh cũ. Hiện tượng ngày càng lan rộng hơn dự đoán ban đầu. Hiện nay, 20 miệng hố nhỏ tập trung xung quanh một hồ lớn dài 100 m, rộng 50 m. Ảnh: Vasily Bogoyavlensky.
Giới chuyên gia tỏ ra kinh ngạc, nhưng khi người dân ở làng Antipayuta trên bán đảo Yamal thông báo trông thấy một vệt sáng gần miệng hố, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do nổ khí gas. Đó là giải thích khả thi nhất ở hiện tại. Lớp băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu, dẫn đến các vụ nổ khí methane tạo ra những miệng hố. Ảnh: Vasily Bogoyavlensky.
Tuy nhiên, lời giải thích này không thuyết phục đối với một số nhà khoa học. Theo Carolyn Ruppel, người đứng đầu Dự án thủy hợp khí gas của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, băng cháy (khí methal dạng băng) ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu thường không ổn định tại độ sâu trên 200 m. Những miệng hố nằm ở vị trí nông hơn nhiều, bởi vậy gần như không có khả năng băng cháy được giải phóng. Thay vào đó, Ruppel đưa ra giải thích đơn giản hơn liên quan đến pingo, những ụ băng bị đất bao phủ ở Bắc cực và các khu vực lân cận. Ảnh: Chính quyền vùng tự trị Yamalo-Nenets.
"Pingo là một khối băng hình thành gần bề mặt trong thời gian dài và có gò đất hoặc đồi nhỏ ở bên trên. Khi khối băng tan nhanh do nhiệt độ ấm lên bất thường ở Siberia trong năm qua, nó có thể khiến một phần đất đá sụt lở, tạo nên miệng hố", Ruppel lý giải. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ giả thuyết này vì đá ở vành miệng hố chỉ ra một vụ nổ thay vì sụt lở. Ảnh: Vasily Bogoyavlensky.
Tháng 7/2017, sau khi tiến hành thám hiểm một miệng hố, giáo sư Vasily Bogoyavlensky chia sẻ với Siberian Timesnhiều khả năng nguyên nhân do pingo phát nổ. "Pingo hoặc bulgunnyakh (gò đất chứa lõi băng phổ biến ở Bắc cực và khu vực lân cận) là tác giả tạo ra các miệng hố. Do luồng nhiệt từ Trái Đất, pingo bắt đầu tan chảy và lõi băng bị chảy một phần của nó chứa đầy khí gas có nguồn gốc từ những khe nứt sâu trong lòng đất", Bogoyavlensky cho biết. Ảnh: Chính quyền vùng tự trị Yamalo-Nenets.
Trước khi phát hiện những miệng hố, các nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại về nhiệt độ gia tăng trong khu vực. Theo họ suy đoán, Baikal - hồ nước ngọt lớn nhất và cổ nhất thế giới - có thể đang nằm trên một quả bom hẹn giờ sẵn sàng phát nổ. Nhiệt độ tiếp tục tăng có thể tạo điều kiện lý tưởng cho sự hình thành của nhiều miệng hố khác. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở khu vực này chứa lượng băng cháy lớn đến mức tổng lực phát nổ của các miệng hố tương đương với 11 tấn thuốc nổ TNT. Ảnh: Bản đồ vệ tinh bán đảo Yamal.
"Chúng tôi biết 7 miệng hố ở vùng Bắc cực, 5 miệng hố nằm ngay trên bán đảo Yamal, một ở khu tự trị Yamal và một ở phía bắc vùng Krasnoyarsk gần bán đảo Taimyr. Chúng tôi chỉ nắm được vị trí chính xác của 4 miệng hố. Nhưng tôi dám chắc có nhiều miệng hố khác ở Yamal và chúng ta cần phải tìm ra", Bogoyavlensky nhấn mạnh. Ảnh: Vladimir Pushkarev/Trung tâm thám hiểm Bắc cực Nga.
"Chúng ta cần trả lời những câu hỏi cơ bản: miệng hố nằm tại khu vực nào và trong điều kiện nào là nguy hiểm nhất. Những câu hỏi này rất quan trọng đối với sự an toàn của các thành phố phương bắc, với cơ sở dầu mỏ và tổ hợp khí gas", Bogoyavlensky nói. Ảnh: Vladimir Pushkarev/Trung tâm thám hiểm Bắc cực Nga.