"Nỗi khổ" này có thể đến từ chính mối quan tâm của thị trường dành cho iPhone.
Những người sử dụng các sản phẩm có gắn mác “trái táo cắn dở” tại Việt Nam đã phát triển thành một cộng đồng không hề nhỏ, nhưng thực tế họ lại chịu khá nhiều thua thiệt so với những những người dùng khác trên thế giới.
1. Phải chịu mức giá cắt cổ
Nhiều người gọi iPhone 4 khi mới về Việt Nam với biệt danh chiếc điện thoại với mức “giá điên”.
Có thể nói, iPhone chính là dòng sản phẩm góp công lớn trong việc đưa tên tuổi của Apple lên tầm “sang chảnh” ở Việt Nam. Cách đây 8 năm, hình ảnh về những chiếc iPhone 2G ngay lập tức đã gây nên cơn sốt trên toàn thế giới. Thời điểm đó, nếu như một chiếc iPhone 2G bản không khóa mạng ở Mỹ chỉ ở mức 600$ thì người dùng ở Việt Nam phải bỏ ra một số tiền gấp đôi, tương đương 1300$. Từ đó về sau, những chiếc iPhone phiên bản mới thường xuất hiện ở Việt Nam với mức giá cắt cổ, cá biệt như trường hợp của iPhone 4, phiên bản được coi là thành công nhất của Apple, đã có thời điểm được chào bán với cái giá 2000$, tương đương 38 triệu đồng vào năm 2010.
Đến những phiên bản sau này, giá của các sản phẩm Apple lúc mới ra mắt đã dần dần ổn định mặc dù vẫn ở mức cao. Thêm nữa, Apple thường bán ra chính hãng iPhone tại Việt Nam khá chậm nên thời gian đầu máy về nước theo đường xách tay, tình trạng loạn giá là khá rõ rệt. Rõ ràng, những tín đồ của Apple đã phải trả cái giá tương đối đắt cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để có cơ hội sở hữu một chiếc iPhone.
2. Khó khăn trong khâu bảo hành
Nhược điểm khó khăn trong khâu bảo hành là điểm trừ mà người dùng phải chấp nhận khi mua máy không từ các nhà phân phối ủy quyền.
Mặc dù bỏ ra một số tiền không hề nhỏ cho một sản phẩm Apple, nhưng những gì người dùng Việt nhận lại là không hề tương xứng. Như chúng ta đã biết, Apple luôn có chế độ “1 đổi 1” cho toàn bộ các thiết bị trong vòng 1 năm kể từ ngày chúng được kích hoạt. Ở Việt Nam, điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn mua sản phẩm Apple từ những kênh mua hàng chính hãng. Với những máy được mua qua các cửa hàng không thuộc hệ thống phân phối chính hãng ,người dùng sẽ không được hưởng chế độ bảo hành này. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu có phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng, thiết bị sẽ được cửa hàng tiến hành sửa chữa, thay thế.
Trên thực tế ,đã có nhiều khách hàng “kêu trời” vì bị “luộc” linh kiện, thay thế linh kiện kém chất lượng, “lợn lành chữa lợn què” khi mang máy ra cửa hàng để bảo hành. Lý do mà những chiếc máy chính hãng không được người dùng quá “mặn mà” là bởi nó có giá cao hơn khá nhiều iPhone xách tay, khóa mạng trên thị trường.
3. Dễ mua phải hàng dựng
Có lẽ chẳng cần phải là một người quá quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, bạn cũng đã từng nghe đến hai chữ “hàng dựng” khi nói về thị trường iPhone Việt Nam. Với một bộ phận những người dùng không đủ điều kiện để “đập hộp” một chiếc iPhone hay iPad, họ hẳn nhiên sẽ lựa chọn phân khúc hàng “secondhand”. Trên những trang web rao vặt hiện nay, có thể dễ dàng bắt gặp những thiết bị như thế này được rao bán với mác “like new 99%”. Điểm tương đồng của những thiết bị này là vỏ ngoài còn khá đẹp, thậm chí là như mới và đặc biệt được bán với mức giá rất “hời”.
Nhưng nếu ham rẻ, rất có thể người dùng sẽ dính phải những chiếc máy được “dựng” lại, khái niệm chung để chỉ điện thoại bị thay vỏ, thay linh kiện kém chất lượng. Tuổi thọ của loại hàng này dĩ nhiên sẽ không thể bằng được những chiếc máy chưa qua sửa chữa. Kể cả khi được tận tay bóc “seal” sản phẩm, người mua cũng chưa thể yên tâm vì hoàn toàn có khả năng bị mua phải những chiếc máy đóng lại hộp đội lốt hàng nguyên seal.