Đại học Witwatersrand Nam Phi cùng tạp chí National Geographic mới đây đã công bố việc phát hiện ra tổ tiên mới của loài người ở Nam Phi có tên là Homo naledi. Những mảnh hoá thạch của người Homo naledi được tìm thấy không chỉ dẫn đường cho chúng ta tìm ra nguồn gốc và sự đa dạng của con người, mà còn đặt ra câu hỏi về một hành vi từ lâu được coi là chỉ có ở con người, thậm chí nó còn được coi là đặc điểm xác định của loài người nay cũng xuất hiện ở hóa thạch Homo naledi: chôn xác chết ở một nơi riêng biệt. Phát hiện này đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Elife.
Hoạ sỹ John Gurche đã dành hơn 700 giờ để vẽ hình tái tạo phần đầu của người Homo naledi. Nguồn: Đại học Witwatersrand, National Geographic Society và Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Nam Phi
Hoá thạch Homo naledi được tìm thấy 2 năm về trước bởi một nhà thám hiểm hang động nghiệp dư trong một chuyến thăm dò hệ thống hang động Rising Star, nằm trong khu di sản nhân loại Cradle of Humankind ở Nam Phi. Ngay sau đó, cuộc thám hiểm mang tên “Rising Star” được bắt đầu vào tháng 11 năm 2013 với hoạt động thăm dò kéo dài 21 ngày bởi một nhóm bao gồm 60 nhà khoa học và tình nguyện viên.
Các nhà nghiên cứu chỉ hy vọng tìm được một bộ hài cốt nhưng thật không ngờ, trong vòng ba ngày họ đã tìm được đến 1.500 mảnh hoá thạch của 15 bộ hài cốt trong một căn phòng rất tối, cách cửa hang khoảng 90 mét. Nhóm nghiên cứu tin rằng có hàng ngàn bộ hài cốt vẫn còn nguyên vẹn trong căn phòng này vì mặt đất được phủ kín xương của người Homo naledi.
Bộ xương người Homo naledi. Nguồn: John Hawks, Đại học Wits
Trên thực tế, có nhiều mẫu hoá thạch có thể phục dựng hoàn toàn, đến mức các nhà khoa học có thể phân chia chúng thành từng nhóm tuổi riêng biệt, từ trẻ sơ sinh đến thiếu niên, từ thanh niên đến người già. Homo naledi là một sự kết hợp hoàn hảo giữa người nguyên thuỷ và người hiện đại với chiều cao 1,5 mét khi đứng thẳng bằng hai chân. Có thể thấy Homo naledi cao hơn hẳn so với phần lớn chủng người nguyên thuỷ với đặc trưng là cơ thể dẻo dai và khớp xương khoẻ. Cơ thể mảnh mai và đôi chân dài chứng tỏ Homo naledi có trọng lượng cơ thể khá nhỏ, chỉ khoảng 45 ki-lô-gam.
Mặc dù có chiều cao vượt trội nhưng người Homo naledi lại có phần đầu nhỏ một cách đáng ngạc nhiên, khiến cho não của họ cũng nhỏ theo. Các nhà khoa học cho rằng, não của người Homo naledi chỉ bằng não của loài vượn cổ Australopith nhỏ nhất và lớn hơn não tinh tinh một chút (khoảng 450 – 500 cm3). Kích thước não và các bộ phận trên cơ thể người Homo naledi cũng có khác biệt giữa nam và nữ nhưng hầu như không đáng kể.
Hộp sọ được tái tạo một phần và chân của người Homo naledi được chụp tại Đại học Witwatersrand. Nguồn: Justine Alford
Theo giáo sư Berger, khi nghiên cứu các bộ hài cốt, các nhà khoa học nhận thấy chúng tương đối giống nhau như thể đó là một cặp song sinh vậy. Do đó, người ta cho rằng chúng có thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, như là các thành viên trong một gia đình nhiều thế hệ.
Điều đáng chú ý ở đây là dường như các bộ phận trên cơ thể người Homo naledi cũng đang tự chuyển đổi chức năng từ nguyên thuỷ sang hiện đại. Khi xem xét cấu tạo chi, các nhà khoa học nhận thấy phần xương chậu và vai của người Homo naledi vẫn còn giống như người nguyên thuỷ với cấu tạo hình nón, nhưng sự tiến hoá của họ đã đạt tới đỉnh điểm với tay chân giống con người một cách kinh ngạc. Cấu tạo tay của họ gần như hoàn toàn giống con người, ngoại trừ việc các ngón tay của người Homo nadeli cong hơn giúp họ dễ dàng cầm nắm đồ vật. Phần vai của họ linh hoạt và dễ dàng xoay trở hơn vai người hiện đại, chứng tỏ họ vẫn còn giữ thói quen leo trèo.
Bàn tay của người Homo naledi với những ngón tay cong hơn hẳn được chụp tại Đại học Witwatersrand. Nguồn: Justine Alford
Đặc biệt, các nhà khoa học không hề nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa bàn chân người Homo naledi và người hiện đại khi lòng bàn chân của họ cũng tiếp đất một cách tương tự như chúng ta. Một câu hỏi lớn được đặt ra cho các nhà khoa học là tại sao những bộ hài cốt này lại nằm ở một hang tối và hoàn toàn cô lập như vậy?
Giáo sư Lee Berger, làm việc tại Đại học Witwatersrand cho biết, ông đã phải nhờ đến những nhà thám hiểm nữ có cơ thể rất mảnh mai mới có thể lấy được những mẫu hoá thạch ra khỏi hang. Chỉ có một con đường duy nhất để vào được hang và khe hở hẹp nhất chỉ rộng khoảng 17,5 cm, vì vậy người ta không tìm được bất kỳ loài nào khác ở đây trừ xương của chim và một vài loài động vật gặm nhấm.
Sau khi xem xét tất cả những tình huống có thể xảy ra, các nhà khoa học cho rằng, người Homo naledi đã cố ý chôn cất những thành viên đã chết ở một nơi cô lập với thế giới bên ngoài, mặc dù trước đây người ta cho rằng đây là đặc điểm chỉ có ở người hiện đại. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định rằng người Homo naledi đã tự nghĩ ra việc chôn cất đồng loại, hay đó chỉ là bản năng có sẵn. Tuy nhiên, theo giáo sư Berger, với bộ não siêu nhỏ như vậy thì khả năng thứ nhất là điều gần như không thể xảy ra. Không chỉ dừng lại ở đó, việc người Homo naledi đã tự điều hướng trong hang tối nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo với đầy những khối đá nhọn như thế nào vẫn còn là một bí ẩn.
“Ngoài những bằng chứng về việc chôn cất đồng loại, chúng ta không hề biết gì khác về họ”, Giáo sư Berger cho biết, “Từ cơ thể của họ, có thể nhận thấy họ là những người có thể đi bộ đường dài – một điều đặc biệt chỉ có ở con người ngày nay. Chúng ta cũng thấy rõ ràng là những ngón tay cong giúp họ leo trèo dễ dàng hơn, nhưng vấn đề là leo lên cái gì vì chắc chắn đó không phải bàn tay dùng để leo cây.” Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được tuổi của các mẫu hoá thạch này cũng như thời gian tồn tại của người Homo naledi. Nhiều bí ẩn vẫn còn đó và các kết luận của nhóm nghiên cứu cũng gây nên một làn sóng tranh luận trong giới khoa học.