Trang Discovery News đưa tin, hòn đá kì lạ chứa khoảng 30 nghìn viên kim cương nhỏ xíu được tìm thấy trong mỏ khai thác kim cương Udachnaya tại Nga và đã được đem tặng cho các nhà nghiên cứu. Loại đá giàu kim cương thường rất hiếm, bên cạnh đó những viên kim cương trong hòn đá quá nhỏ để có thể chế tác thành đồ trang sức.
Nhà địa chất Larry Taylor thuộc trường Đại học Tennessee, Knoxville nhận định tỷ lệ tập trung kim cương trong hòn đá kỳ lạ nhiều gấp mấy trăm lần so với quặng kim cương thông thường với trung bình 1 đến 6 cara trên 1 tấn. Ông cho biết thêm, cara là đơn vị đo cân nặng chứ không phải đơn vị đo kích thước, 1 cara bằng khoảng 0,2g.
Hòn đá kỳ lạ chứa hàng nghìn viên kim cương nhỏ xíu. Ảnh Discovery News
Các nhà nghiên cứu tin rằng lượng kim cương và màu sắc kỳ lạ sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về nguyên nhân hình thành của hòn đá cũng như lịch sử địa chất của Trái Đất. Mặc dù, ngày nay kim cương có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm nhưng nguồn gốc hình thành của loại đá quý giá này vẫn còn là một điều bí ẩn.
Nhà địa chất Larry Taylor đang phối hợp cùng các nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học Nga để tiến hành phân tích hòn đá kỳ lạ được tìm thấy tại Udachnaya. Ban đầu, đội nghiên cứu thăm dò toàn bộ hòn đá bằng thiết bị chụp x-quang công nghiệp. Ảnh x-quang thu được cho thấy hòn đá chứa nhiều khoáng sản với những màu sắc khác nhau, còn kim cương xuất hiện với màu đen.
Hòn đá kỳ lạ được tìm thấy tại mỏ khai thác kim cương Udachnaya, Nga. Ảnh minh họa
Hàng nghìn viên kim cương trong hòn đá tập trung lại với nhau thành một cụm dày đặc cao 1 mm và có tám mặt. Phần còn lại của hòn đá kỳ lạ là ngọc hồng lựu, olivine xanh, piroxen và được bao bọc bên ngoài cùng với một lớp xun-phuya. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng khối kim cương được hình thành sau tập hợp đá hồng ngọc, olivine và prioxen.
Kết quả cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng những viên kim cương trong hòn đá kỳ lạ được kết tinh từ các chất lưu từ lớp vỏ đại dương bị hút chìm có chứa loại đá peridotite đặc.