Công nghệ LED ra đời đã cho ra thế hệ máy in LED có thể giải quyết tốt các nhược điểm của máy in laser truyền thống như giá thành cao, khó bảo trì… Sau đây chúng ta tìm hiểu thêm chi tiết về 2 loại máy in này nhé.
Máy in là thiết bị quan trọng để chuyển tải thông tin điện tử ra giấy và chất liệu khác. Các hãng sản xuất máy in vẫn luôn muốn tung ra thị trường nhiều sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng, từ doanh nghiệp đến gia đình.
Hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy in là chuyện hoàn toàn không khó. Vấn đề là làm sao có thể chọn được mẫu nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu hàng ngày, cung cấp bản in với tốc độ nhanh nhất và chất lượng ưng ý nhất.
Khi đề cập đến những tiêu chí trên, có thể nói máy in Laser và LED rất lý tưởng cho việc in ấn tài liệu chất lượng cao và tốc độ nhanh, cả bản in đen trắng lẫn màu. Những sản phẩm này có thể tạo ra văn bản rõ nét và đồ họa màu sắc tuyệt vời. Dù giá của chúng thường đắt hơn so với máy in phun, nhưng xét về chi phí mỗi trang in thì máy in Laser và máy in LED rẻ hơn nhiều.
Công nghệ in Laser
Công nghệ máy in laser được Xerox PARC (Palo Alto Research Center) phát minh trong những năm 1970. Các sản phẩm máy in laser đầu tiên được thiết kế cho văn phòng và tiếp theo là thị trường người dùng cá nhân trong gia đình. Những năm sau đó, các hãng khác như IBM, Hewlett-Packard (HP), Canon, Lexmark, Okidata,… lần lượt tham gia vào ngành công nghiệp này.
Về mặt kỹ thuật, máy in laser sử dụng cơ chế in bằng tia laser để “dán” mực in bằng bột lên giấy. Trong máy in laser, những thành phần quan trọng nhất phải nói đến là nguồn laser, trống từ (drum), hộp mực in (toner), gương quét (mirror), thấu kính (lens) và trục sấy (fuser).
Trống từ có hình ống trụ, được phủ một lớp phim hợp chất cảm quang (tức là nhạy cảm với ánh sáng). Khi lệnh in được gửi đi, trống từ sẽ được tích điện dương. Tia laser trong máy in sẽ chiếu vào gương quét, thông qua hệ thống thấu kính và đánh vào trống từ để hình thành hình ảnh của trang in.
Thực ra thì tia laser không di chuyển mà chỉ có gương quay liên tục và nhờ vậy sẽ tạo ra hàng loạt tia lần lượt quét lên bề mặt trống từ. Những tia này có cường độ mạnh hay yếu tùy thuộc vào độ đậm nhạt của từng điểm ảnh và nó chiếu lên bề mặt trống từ để làm giảm điện trở của lớp phim trên đó.
Khi tia laser chạm vào trống từ, chúng sẽ “khắc” lên trống những ký tự và biểu tượng cần in và biến những vùng đó thành điện tích âm. Khi trống từ quay, nó tiếp xúc với mực in dạng bột được tích điện dương. Mực bột này sẽ dính vào mọi phần của trống từ đang bị tích điện âm. Điều này có nghĩa là trống từ sẽ được dán lớp bột mực ở những chỗ cần in.
Khi giấy chuyển động qua trống từ, nội dung của trang cần in được truyền lên giấy và mực bám vào giấy. Công đoạn cuối cùng là sấy khô để mực bám chặt vào giấy trước khi được đưa ra ngoài. Bột mực được nấu chảy khi tờ giấy đi qua trục sấy. Nhiệt độ của trục sấy vào khoảng 180-260 độ C và cùng với lực ép của trục sấy mực in nóng chảy sẽ được bám chặt lên giấy.
Thực tế thì toàn bộ quá trình này xảy ra nhanh hơn bạn tưởng, thường chỉ mất vài giây cho đến vài chục giây tùy vào độ phức tạp bản in. Các hạt mực bột cũng nhỏ hơn so với bạn nghĩ, đường kính chỉ cỡ 1/3 sợi tóc con người.
Công nghệ in LED
Về mặt công nghệ, máy in LED có nguyên lý hoạt động hoàn toàn giống hệt với máy in Laser. Cả hai đều sử dụng kết hợp trống từ, mực in dạng bột và phương thức tĩnh điện để chuyển từ điện tích dương sang điện tích âm.
Sự khác biệt giữa máy in Laser và máy in LED chính là sử dụng tia laser hay dùng hệ thống đèn LED. Thay vì dùng hệ thống gương quay và thấu kính khá phức tạp để phản chiếu tia laser, máy in LED trang bị một dãy diode phát quang (hay còn gọi là đèn LED – Light-Emitting Diode) được đặt thẳng hàng để đốt cháy các ký tự và hình ảnh cần in vào trống từ. Phần còn lại của quá trình đều giống như trong máy in Laser.
Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao lại sử dụng đèn LED thay vì tia laser? Đáp án đơn giản vì nó rẻ hơn. Laser và gương quay thường có chi phí sản xuất và bảo trì tốn kém hơn nhiều so với dãy đèn LED cố định.
Tuy nhiên, do sự đơn giản của hệ thống đèn LED được đặt ở vị trí nằm ngang cố định và độ phân giải tối đa 600dpi của LED nên kết quả in ra thường gây thất vọng hơn so với bản in laser. Theo đánh giá, chất lượng bản in từ máy in LED thường bị mờ và không đúng màu chuẩn (nhất là trong máy in màu).
Chính vì lý do đó, hai công ty Fuji Xerox và Nippon Electric Glass đã hợp tác và phát triển ra loại đầu in mới SLED (Self-Scanning Light-Emitting Diode) kiểm soát bằng công nghệ định độ phân giải cao. Đầu in này giải quyết được những khiếm khuyết về chất lượng của đầu in LED nhờ vị trí của các diode cũng như sự đa dạng trong cường độ và định thời gian ở đầu ra.
Loại đầu in SLED này có thể cung cấp độ phân giải lên đến 1.200×2.400dpi, đồng thời vẫn kế thừa những ưu điểm của dòng máy in LED như nhỏ gọn, vận hành êm, thân thiện với môi trường, mức giá hợp lý.
Có thể nói, SLED đã vượt qua những vấn đề gây lo ngại cho khách hàng về chất lượng hình ảnh nghèo nàn do sự khác nhau về vị trí và cường độ sáng của diode từ máy in LED thông thường. Bên cạnh đó, kết cấu của đèn LED sẽ không cần phải thay thế và đầu in sẽ được sử dụng mãi cho đến cuối vòng đời sản phẩm.