Nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và viễn cảnh nước biển dâng cao trong tương lai, các nhà khoa học đã có nhiều phát kiến nhằm thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt này, một trong số đó là hệ thống trang trại nổi trên biển, với các ứng dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống đèn LED, pin mặt trời…
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng đất của một số ngành công nghiệp, giao thông và các lĩnh vực phi nông nghiệp tăng nhanh khiến diện tích đất nông nghiệp giảm dần, đáp ứng lương thực và thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng nhanh đang là một thách thức to lớn.
Các công ty Hà Lan đang đi đầu trong việc thành lập các trang trại nổi nhằm mục đích giải quyết những thách thức trong tương lai, bao gồm cả biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại thành phố cảng Rotterdam, trại nuôi bò sữa đô thị nổi trên mặt nước đầu tiên trên thế giới đã được hoàn thành và sẽ sớm đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2017 – đầu năm 2018). Mục tiêu lâu dài là tạo ra các thành phố hoàn toàn tự túc, từ nước sạch, năng lượng, thực phẩm, và xử lý chất thải… ở ngay trên biển.
Dự án nông trại nổi ở Merwehaben (Rotterdam, Hà Lan)
Ngoài việc tự cung tự cấp sữa một cách bền vững, một trong những mục tiêu chính của các nhà sản xuất là đặt nông trại nổi gần thành phố để tạo ra nhận thức và kết nối người dân thành phố với nguồn cung cấp thực phẩm của họ.
Dự án nông trại nổi ở Merwehaben (Rotterdam) là sự hợp tác giữa 3 bên: Courage – Viện nông nghiệp Hà Lan, Uit Je Eigen Stad – công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị, và Beladon – công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế các hệ thống nổi.
Tại nông trại nổi này, cùng với một số sản phẩm sữa khác như pho-mát, kem, bơ và sữa chua, 40 con bò sẽ cung cấp 1.000 lít sữa tươi tại chỗ mỗi ngày để phân phối tại địa phương. Việc vắt sữa được thực hiện bởi robot và những con bò sữa sẽ được tạo mọi điều kiện để có cảm giác như đang sống trong mô i trường tự nhiên.
Bên trong trang trại nổi kích thước 40 m x 32 m trị giá 2,5 triệu euro này, mỗi con bò sẽ có khoảng 50 m2, hơn nhiều so với bò công nghiệp. Việc tạo ra các mô cao thấp sẽ tạo cho bò đủ chỗ để gặm cỏ, cấu trúc trong suốt, nổi sẽ giảm không gian cần thiết để chăn nuôi gia súc lên đến 50 % so với chăn thả truyền thống trên mặt đất.
Để cung cấp năng lượng, trang trại sẽ sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió từ các tổ hợp phong điện và pin mặt trời, trong khi cây nhân tạo sẽ cung cấp bóng mát cho bò và giảm lượng tiêu thụ năng lượng bằng cách làm mát không gian.
Nông trại sẽ sử dụng một hệ thống thu thập và xử lý chất thải hiệu quả. Để giảm phát thải ammonia, một lớp màng đặc biệt sẽ hấp thụ nước tiểu của bò và sẽ gom chúng vào một thùng chứa kín khí, sau đó sẽ được xử lý để tưới cỏ trồng ở tầng trệt.
Trại nuôi bò sữa đô thị nổi trên mặt nước tại Hà Lan
“Robot phân” sẽ thu gom phân, sẽ được ép thành bánh để đốt nhằm tạo ra nhiệt và năng lượng cho trang trại, và một phần chuyển thành phân bón, hoặc để tạo khí biogas. Nước mưa sẽ được gom lại và được lọc để cho bò uống. Chất dinh dưỡng cho cây sẽ được chiết xuất từ nước tiểu bò.
Trong thời gian qua, các nhà thiết kế đã kết hợp với 1 Trường Đại học và hãng Philips – nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng, để kiểm tra các hạt giống khác nhau và ánh sáng đèn LED mà cỏ có thể phát triển tốt nhất. Trong một thí nghiệm, họ sản xuất khoảng 15 % và nâng lên 20 % lượng thức ăn mà bò sẽ tiêu thụ.
Để tạo ra cùng một lượng cỏ như vậy trên mặt đất sẽ mất diện tích lớn hơn khoảng 30 – 50 lần. Cỏ trồng trong trang trại nổi cũng rất tươi tốt và giàu vitamin hơn so với cỏ ở ngoài đồng, vì vậy, bò cũng cho sữa chất lượng cao hơn.
Không chỉ sản xuất và bán sản phẩm như những cơ sở bình thường khác, trang trại nổi ở đây còn chú trọng đến vấn đề an sinh động vật và giáo dục. Trang trại được thiết kế như một khu vườn, tạo nên môi trường tự nhiên, nơi khách tham quan sẽ được chứng kiến toàn bộ qui trình nuôi bò và sản xuất sữa.
Dự án này là một thử nghiệm đô thị tự túc, với mục đích kiểm định khả năng một thành phố có thể trở thành tự chủ hoàn toàn về sản xuất lương thực và chất thải, nước sạch, và năng lượng.
Ngoài 1 trang trại sữa đang hoạt động, cơ sở này còn đóng vai trò là một phòng thí nghiệm công nghệ cao, nơi cùng với một số đối tác tại kỹ thuật để nghiên cứu các quá trình hiệu quả hơn cho sản xuất lương thực, chất thải và xử lý nước sinh hoạt.
Khi mô hình thử thành công, mục tiêu tiếp theo là mở rộng cơ sở vật chất để thành lập các trang trại có thể có 200 con bò sữa và có thể cung cấp 5 tấn sữa mỗi ngày. Điều tuyệt vời nữa là, trang trại nổi sẽ giúp tiết kiệm được 30 – 50 lần diện tích so với trang trại thông thường trên mặt đất.
Có thể nói, trang trại nổi chính là sự sáng tạo tuyệt vời của người Hà Lan – kết hợp hai lĩnh vực mà họ rất giỏi là nông nghiệp và công nghệ hàng hải. Hà Lan đang phấn đấu để kết hợp các phương pháp tiếp cận tổng hợp và tầm nhìn toàn diện trong các ngành công nghiệp, các viện nghiên cứu…nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo trong công nghệ cao, hậu cần và nông nghiệp để tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu thế giới về đổi mới và phát triển bền vững./.